Sự tích tết trung thu luôn là những câu chuyện thú vị cho con trẻ. Thế nhưng lại là dấu chấm hỏi của nhiều người lớn. Cho đến ngày nay, có nhiều câu chuyện được kể lại về tích trung thu, nguồn gốc rằm tháng 8.
Tết trung thu hay còn gọi là tết đoàn viên. Đây là một trong những ngày tết lớn nhất tại Việt Nam. Cứ đến ngày này hằng năm, các thành viên trong gia đình dù đi xa hay ở gần đều ngồi lại trông trăng, uống trà và ăn bánh. Vậy thì sự tích trung thu bắt nguồn từ đâu, có những câu chuyện nào? Hãy cùng Thấy Là Thích tìm hiểu kỹ hơn về sự tích của ngày lễ đặc biệt này nhé!
Tìm hiểu thêm:
- Mâm lễ cúng rằm Trung Thu tháng 8
- Hướng dẫn làm lồng đèn trung thu
Sự tích về ngày tết trung thu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, sự tích tết trung thu gắn liền với rất nhiều câu chuyện kể, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, ví dụ như: Sự tích chú Cuội, sự tích chị Hằng Nga, tích đèn ông sao, tích múa lân, …
Nếu đứng dưới góc độ lịch sử, theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì tết trung thu tại Việt Nam được bắt nguồn từ đời nhà Lý. Dựa trên những dấu vết còn lưu lại trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Tích tết trung thu được hiểu nhiều hơn như một nghi thức cúng tạ ơn. Vào ngày trăng tròn nhất của tháng 8 (tức là ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm), vua Lý (và sau này là vua Lê, chúa Trịnh trở đi) sẽ tiến hành tổ chức lễ hội (bao gồm cả phần lễ và phần hội) để tạ ơn Thần Rồng đã mang đến mùa màng bội thu cho đất nước, cùng dân chúng chia sẻ niềm vui bằng các tục như rước đèn, múa lân, làm bánh, thưởng nguyệt.
Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính lại nói nhiều hơn về tích trung thu Việt Nam ở ý nghĩa là lễ cúng gia tiên, thưởng nguyệt. Ban ngày cúng gia tiên, ban đêm cả gia đình quây quần thưởng nguyệt. Gia đình Việt Nam nào cũng vậy và cứ truyền từ đời này qua đời khác thành một tập tục truyền thống có ý nghĩa lịch sử – văn hóa.
Theo một số tư liệu khác thì người ta cũng cho rằng tích tết trung thu tại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hóa Trung Hoa, gắn liền với sự tích thưởng nguyệt của Vua Đường và nàng Dương Quý Phi. Khi đó Trung Hoa còn là một nước lớn, có nhiều láng giềng và các dân tộc thuộc địa.
Sự tích tết trung thu gắn liền với câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ
Sự tích Hằng Nga – Hậu Nghệ hay còn gọi sự tích chị Hằng
Tương truyền xa xưa trên bầu trời không chỉ có 1 mà có tới 10 mặt trời cùng chiếu xuống. Mặt đất nóng đến khô cạn, bốc khói khiến người dân không thể sinh sống làm ăn. Trong lúc nguy bách ấy, có người anh hùng tên Hậu nghệ đã dùng thần lực trèo lên đỉnh núi Côn Lôn. Anh dùng nỏ thần bắn rụng 9 mặt trời, cứu sống muôn loài. 1 mặt trời còn lại chính là mặt trời vẫn chiếu sáng cho đến ngày nay. Kể từ chiến công ấy, Hậu Nghệ được kính trọng và tiếng lành đồn xa có rất nhiều chí sĩ đến bái sư học đạo. Trong đó có Bồng Mông.
Về sau, Hậu Nghệ lấy Hằng Nga, một người vợ vô cùng xinh đẹp và hiền lành. Hai người họ rất đẹp đôi, tâm đầu ý hợp. Một ngày nọ, khi đến núi Côn Luân gặp bạn, Hậu Nghệ tình cờ gặp được Vương mẫu nương nương, được nương nương ban tặng thuốc trường sinh bất tử. Thuốc quý này hễ uống vào là có thể bay lên trời thành tiên.
Thế nhưng không nỡ xa Hằng Nga, Hậu nghệ đã không uống, còn đưa cho vợ cất giữ, tuy nhiên lại để Bồng Mông lén nghe thấy.
Trong lúc Hậu nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắt, Bồng Mông tâm địa đen tối đã giả bệnh xin ở lại, dùng kiếm ép Hằng Nga giao thuốc quý ra. Vì không phải là đối thủ của Bồng Mông, cũng không muốn thuốc quý rơi vào tay kẻ xấu nên Hằng Nga đã uống thuốc và người trở nên nhẹ bỗng, bay lên trời thành tiên. Vì vương vấn chồng, nàng chỉ bay đến nơi gần nhất – chính là mặt trăng.
Khi trở về biết chuyện, Hậu Nghệ tìm Bồng Mông báo thù nhưng hắn đã trốn mất. Hậu Nghệ chỉ biết than khóc và ngửa mặt lên trời gọi tên vợ. Anh nhìn lên cung trăng thì thấy hình ảnh vợ mình. Kể từ đó chàng bày án trong hoa viên nơi vợ thích những hoa, món bánh, thức quả vợ thường ăn để tưởng nhớ. Cũng từ đây mà xuất hiện tục bế nguyệt để cầu xin sự may mắn từ chị Hằng.
Sự tích chú Cuội – cung trăng
Nhắc đến sự tích chú Cuội thì có lẽ không ai là không biết đến.
Cuội là một anh chàng tiều phu hiền lành. Trong một lần đi đốn củi, Cuội đi nhầm vào hang cọp, lúc cấp bách Cuội đã nhanh chân trèo lên cây cao để trốn. Hổ mẹ trở về hang, thấy đàn con đã lả đi vì đói đã đi đến một gốc cây gần đó lấy một ít là mang về, nhai nát và mớm cho đàn con của mình. Thật kỳ diệu là đàn con ngay lập tức sống lại, khỏe mạnh bình thường. Chờ cho cọp mẹ và đàn con đi khỏi đó, chú Cuội trèo xuống và tìm cách đem cây thuốc quý đem về nhà.
Trên đường trở về, chú Cuội lại gặp một ông già nằm chết bên bãi cỏ. Cuội bèn lấy 1 nắm lá để vào miệng lão và cũng như những chú hổ con khi nãy, ông già sống lại. Biết chuyện, ông lão dặn Cuội rằng đây là cây đa quý có khả năng cải tử hoàn sinh. Con hãy đem về trồng trong vườn nhà và chỉ tưới nước sạch, tuyệt đối không tưới nước bẩn nếu không cây sẽ bay về trời mất.
Cuội nghe lời ông và đem cây về trồng, chăm sóc rất cẩn thận và cũng cứu giúp rất nhiều người dân trong làng, trong đó có con gái địa chủ. Nhờ được hồi sinh sau chết đuối, con gái địa chủ đã xin được làm vợ Cuội. Thế nhưng khổ nỗi là vợ Cuội lại mắc chứng bệnh hay quên. Mỗi lần ra ngoài chú đều dặn vợ chỉ tưới nước sạch cho cây, và tuyệt đối không được tiểu vào gốc cây. Tuy nhiên vợ Cuội chỉ nghe chuyện như gió thoảng qua tai, nghe 1 lần là quên sạch.
Trong 1 lần nọ khi Cuội đi đốn củi, vợ ở nhà một mình không nhớ lời Cuội đã tiểu ngay dưới gốc cây thuốc quý. Ngay lập tức mặt đất rung chuyển, gió thổi mạnh. Cây đa lật qua lật lại rồi phi về trời xanh. Đúng lúc đó Cuội đi đốn củi về, theo phản xạ tự nhiên đã nhảy lên bám gốc cây thuốc quý để níu lại. Thế nhưng sức Cuội yếu ớt không những không thể giữ được cây mà còn bị kéo lên cung trăng. Kể từ đó, cứ vào độ rằm khi trăng tròn và tỏ nhất, khi nhìn lên cung trăng sẽ thấy hình ảnh cây đa và chú cuội ngồi tựa gốc đợi ngày về.
Tích múa lân
Tương truyền, thần Thổ địa là vị thần luôn mang đến tài lộc cho nhân gian.
Vào mỗi độ trăng rằm, ông sẽ dụ con Kỳ Lân xuống, ban theo phước lành, may mắn cho tất cả mọi nhà.
Tích múa lân cũng được bắt nguồn từ đó. Cứ vào rằm tháng 8 hằng năm, trong phần hội người ta sẽ tổ chức tục múa lân trong không khí nhộn nhịp, vui vẻ với ý nghĩa cầu mong mọi sự sẽ tốt lành đầy khí sắc như vậy.
Sự tích đèn trung thu
Tương truyền ở một ngôi làng nọ, có 2 cha con nghèo chỉ mưu sinh bằng nghề làm đèn trung thu.
Công việc diễn ra năm này qua năm khác, hết thu này đến thu khác khiến cậu con trai cảm thấy nhàm chán. Cậu muốn làm hơn một chiếc đèn trung thu đơn điệu.
Một ngày nọ, trong lúc nhìn lên bầu trời ngắm trăng cậu đã thấy một vệt sáng tuyệt đẹp 5 màu sắc tỏa ra 5 hướng như 5 cánh ngôi sao. Cậu hì hục ra sau vườn, đốn xuống một cây tre lớn, vót thành những thanh nhỏ, miệt mài xếp lắp thành khung hình ngôi sao để tạo đèn lồng.
Đêm trung thu, khi rước đèn qua ngõ nhà 2 cha con, đám trẻ con trông thấy những lồng đèn ngôi sao phát sáng lung linh quá đẹp mắt thì vô cùng thích thú. Hai cha con đã tặng cho chúng và chúng vui thích đem đi chơi khắp làng. Kể từ đó hình ảnh chiếc lồng đèn ngôi sao được lan truyền từ làng này qua làng khác, thế hệ này qua thế hệ khác và trở thành món đồ chơi đặc trưng rất phổ biến của tết trung thu.
Nguồn gốc tết trung thu gắn liền với điển tích Dương Quý Phi – Vua Đường
Bên cạnh những câu chuyện (tích) được truyền miệng trong dân gian, tết trung thu tại Việt Nam nói riêng, nhiều nước phương Đông nói chung cũng được cho là ra đời gắn liền với điển tích lịch sử (có xen yếu tố hư cấu) về nàng quý phi được sủng ái nhất của vua Đường Huyền Tông – Dương Ngọc Hoàn.
Thời nhà Đường, dưới đời vua Đường Huyền Thông có vị quý phi họ Dương, tên Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý Phi) nhan sắc khuynh thành. Nàng cùng với Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Điêu Thuyền chính là tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cổ.
Tuy nhiên cũng vì nhan sắc quá xinh đẹp của nàng khiến cho vua Đường trở nên sa đọa. Điều này đã làm rộ lên nỗi bất mãn của các quan đại thần. Họ ép nhà vua phải ban chết cho Quý phi, đặt việc nước lên hàng đầu. Trước sức ép đó, mặc dù không đành lòng nhưng cuối cùng nhà vua cũng lựa chọn (có tài liệu ghi chép là Dương Quý Phi tự nguyện).
Sau khi Quý phi chết, Đường Huyền Tông ngày đêm nhớ mong. Cảm thấu được tấm chân tình của nhà vua, các vị tiên nữ trên trời quyết định vào mỗi đêm trăng sáng nhất của mùa thu (tức ngày 15/ 08 âm lịch hằng năm) sẽ để nhà vua lên gặp Dương Ngọc Hoàn. Và khi trở về để bày tỏ tấm lòng của mình với nàng. Nhà vua đã cho bày sắm lễ vật, tổ chức tiệc tế nguyệt để tưởng nhớ nàng hằng năm. Kể từ đây Trung Hoa có tục “Thưởng nguyệt” gắn liền trực tiếp với câu chuyện nàng Quý phi họ Dương của vua Đường Huyền Tông.
Trên đây là một vài sự tích nổi tiếng nhất về tết trung thu tại Việt Nam. Được thực hiện – tổng hợp bởi ban biên tập của trang thông tin Thấy Là Thích. Mong rằng đã đem lại kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc, góp ý hay chia sẻ nào, bạn hãy để lại thông tin bên dưới nhé. Cảm ơn vì đã đồng hành!