Giới thiệu tổng quan về Lễ cúng giỗ tổ nghề xây dựng – thợ hồ
Nghề xây dựng là một trong những ngành nghề phổ biến ở nước ta. Nghề xây dựng bao gồm các nghề nhỏ khác là nghề mộc, nghề thợ xây và nghề thợ cơ khí.
Mâm cúng giỗ tổ nghề xây dựng: thợ hồ, thợ mộc, cơ khí gồm những lễ vật gì, Cúng ngày nào, Hướng dẫn cách bày mâm cúng, bài văn khấn chuẩn.
Ý nghĩa của lễ cúng tổ nghề xây dựng
Lễ cúng tổ nghề xây dựng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với người đã sáng tạo ra một công việc để có thể giúp họ có cơm ăn, áo mặc, nuôi sống bản thân và gia đình, giúp ích cho xã hội. Ngày cúng tổ nghề này cũng được xem là truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Mâm cúng giỗ tổ nghề xây dựng gồm những lễ vật gì?
Thuở xưa, khi chưa có điều kiện, các anh em trong từng nhóm thợ thường chung tiền, góp sức để người có uy tín nhất trong nhóm đứng ra tổ chức lễ cúng. Những người mới vào nghề cũng cần bái tổ nghề coi như lễ nhập môn, gia mắt, xin phép tổ nghề được theo làm công việc này và mong tổ nghề phù hộ.
Lễ vật mà người thợ mới cần chuẩn bị để kính dâng lên tổ nghề bao gồm:
- 1 chú gà trống choai còn sống
- 1 chai rượu nếp trắng
- 1 thẻ nhang thơm
Khi cúng cần đặt lên bàn thờ tổ và vái ba vái. Sau khi chủ lễ tiếp nhận và trao cho thợ mới ly rượu trắng, người thợ mới đón lấy và uống hết thì coi như đã hoàn thành thủ tục nhập môn. Người chủ lễ (người thầy) cũng cần uống cạn ly như một lời hứa sẽ chỉ dạy môn đồ thật tận tình tận nghĩa.
Mâm cúng giỗ tổ nghề xây dựng sẽ bao gồm những thức đồ lễ vật sau đây:
- 1 đĩa trái cây ngũ quả tươi ngon, được chọn lựa kỹ càng, không có quả thối nát
- 1 bình hoa cúc kim cương
- 1 thẻ nhang rồng phụng
- 2 cây đèn cầy
- 1 hũ muối, 1 hũ gạo
- Trà pha sẵn
- 1 chai rượu nếp
- 1 chai nước suối
- 1 đĩa trầu cau
- Giấy tiền cúng giỗ tổ nghề xây dựng
- 1 đĩa xôi
- 1 con gà trống luộc nguyên con (gà trống là loài vật biểu trưng cho 5 đức tính tốt đẹp của con người bao gồm văn, võ, dũng, chí, tín)
- 1 con heo quay
- 1 đĩa bánh bao hoặc 1 đĩa bánh hỏi, bánh chưng
- 1 đĩa chả lụa
Nghi thức cúng giỗ tổ nghề xây dựng
Sau khi chuẩn bị đầy đủ mâm cúng và bày biện ngay ngắn, người đứng đầu nhóm thợ mộc sẽ ăn mặc chỉnh tề, lên hương đèn và làm lễ khấn vái. Nội dung chính của bài khấn vái là lời cảm ơn tổ nghề xây dựng đã sáng tạo ra nghề này, giúp con cháu sau này có cái nghề cái nghiệp để theo đuổi, kiếm được cơm ăn áo mặc và có được đời sống sung túc. Đồng thời, người cúng sẽ cầu mong tổ nghề phù hộ cho con cháu làm ăn ngày càng được thuận lợi, phát đạt để có thể gắn bó với nghề lâu dài.
Lễ cúng hoàn tất, anh em thợ trong nhóm cúng ngồi lại quây quần nói chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm làm nghề. Sau khi hết nén nhang, người đứng đầu nhóm thợ đem tiền vàng đi đốt và xin thụ hưởng lễ vật để anh em cùng hưởng lộc.
Lịch sử của tổ nghề xây dựng
Tổ nghề của ngành xây dựng được lưu truyền chính là Lỗ Ban (một người thợ mộc tài ba của Trung Quốc, từng sáng chế ra mộ con diều bằng gỗ chở người, có thể tận dụng hướng gió để bay sang nước địch thám thính tình hình)
Lỗ Ban còn là tên gọi của một cây thước thường được dùng trong nghề thợ mộc (và cả nghề thợ hồ) dùng để đặt hòn mái, do khuôn nhà, khuôn cửa. Đây là cây thước được Lỗ Công Thư Ban nghiên cứu ra dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng về thiên văn, địa lí kết hợp với 8 quẻ Bát Quái.
Ngày nay, ngày 13 tháng 6 và ngày 20 tháng Chạp âm lịch được chọn làm ngày tổ chức lễ cúng giỗ tổ nghề xây dựng. Trong ngày này, những người tín tâm thường chuẩn bị mâm cỗ rất thịnh soạn để dâng lên tổ nghề cầu mong tổ nghề phù hộ cho công việc được suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió để có thể gắn bó với nghề lâu dài.